Chúng tôi gặp founder của thương hiệu Maztermind - Toàn Nguyễn vào một ngày cuối năm. Tuy bận rộn do đang vào mùa cao điểm nhưng anh vẫn vui vẻ nhận lời trò chuyện cùng Doanh Nhân Trẻ, câu chuyện về những ý tưởng và sản phẩm độc đáo của Maztermind.
Trước tiên, điều khiến tôi tò mò là anh đã theo học chuyên ngành gì và đã kinh qua các công việc nào trước khi thành lập Maztermind?
Toàn Nguyễn: Tôi học kinh doanh. Sau khi ra trường tôi bắt đầu kinh doanh riêng và đã có gần 15 năm kinh doanh bánh kẹo xuất khẩu. Đó là các sản phẩm bánh kẹo thủ công để trang trí trên bánh kem.
Khi đó, tôi đã suy nghĩ đến việc tại sao Việt Nam mình cứ mãi là một “công xưởng” chuyên gia công sản phẩm cho các hãng nước ngoài; tại sao lại không có một thương hiệu của Việt Nam – có thể nhỏ thôi nhưng tự thiết kế, sản xuất đến phân phối đều do người Việt Nam, sau đó bán ra thị trường quốc tế và trở nên phổ biến hoặc được nhận diện? Tôi ấp ủ ý tưởng về Maztermind từ lúc đó.
Anh mất bao lâu để xây dựng nên Maztermind và tại sao lại là boardgame chứ không phải là một lĩnh vực nào khác?
Tôi mất gần 3 năm để nghiên cứu sản phẩm, nghiên cứu thị trường. Trước đó, tôi có mở một chuỗi 5 cửa hàng có tên The Craft House (Nhà Thủ công) tại Hà Nội, TP.HCM và Hội An với mong muốn cung cấp những sản phẩm thủ công của Việt Nam cho khách du lịch, để khi họ mang những món quà tặng đó về nước thì có dấu ấn, có bản sắc Việt Nam.
Tôi trò chuyện với khách hàng và biết, ai trong cuộc đời cũng từng chơi một trò chơi boardgame nào đó, nhưng đã lâu rồi họ không có ý định chơi lại, vì các món đồ chơi đó không đủ hấp dẫn.
Mặt khác, thị trường lại có nhu cầu rất cao về quà tặng và đồ trang trí nhà cửa. Vậy tại sao không kết hợp boardgame – quà tặng và home décor lại với nhau? Một món quà hay một món đồ trang trí trong nhà nếu được sáng tạo từ một trò boardgame thì vừa độc lạ, vừa đẹp, lại có tính văn hóa ở trong đó.
Sản phẩm đầu tiên mang thương hiệu Maztermind là gì, thưa anh?
Đó là bộ Cờ caro. Khi đó tôi nghĩ cờ caro là trò chơi mà tất cả những ai từng đi học đều đã chơi, nhưng chưa ai làm ra một bộ cờ caro chỉn chu, đẹp đẽ cả. Tôi muốn làm thử để… chơi cho vui, chứ chưa có kế hoạch cao xa gì.
Đó là bộ cờ chơi bằng cách đặt xuống các nút có gắn nam châm. Sau đó, đến sản phẩm thứ hai là bộ Cờ cá ngựa, tôi bắt đầu xác định mình sẽ sản xuất các sản phẩm boardgame với mục đích làm quà tặng và décor. Bộ Cờ cá ngựa cũng mất tới một năm để hoàn thiện và ra mắt.
Anh chọn làm mới những boardgame lâu đời chứ không sáng tạo nên những trò chơi mới. Các sản phẩm của anh lại là đồ thủ công - nghĩa là không sản xuất nhanh và hàng loạt được. Vậy điều gì khiến anh tự tin vào các sản phẩm của mình?
Slogan của Maztermind là “Play in style” – nghĩa là chơi có phong cách. Các sản phẩm của chúng tôi được làm thủ công, tinh xảo, để dù bạn mua về để chơi, để tặng quà hay trưng bày trong nhà cũng sẽ thể hiện được gu thẩm mỹ và chiều sâu văn hóa của bạn.
Sản phẩm thủ công, trên lý thuyết là không sản xuất nhanh và hàng loạt được, nhưng nếu có một quy trình hợp lý, chúng ta vẫn có thể sản xuất nhanh hơn so với các cách truyền thống. Chúng tôi có một quy trình đã được xây dựng và tính toán từ trước để có thể sản xuất hàng trăm, hoặc thậm chí hàng ngàn sản phẩm.
Nếu nhắm tới mục đích trang trí, thì tính thẩm mỹ và vật liệu giữ vai trò quan trọng. Anh tự hào về điều gì ở sản phẩm của mình: thiết kế khác lạ hay vật liệu độc đáo?
Cả hai. Chẳng hạn như bộ Cờ cá ngựa, chúng tôi đã kết hợp các chất liệu riêng biệt như đồng thau, xi măng, da và gỗ. Sự hài hòa ấy thể hiện qua 4 mặt gỗ của bàn cờ cá ngựa được ghép lại với nhau bằng 8 cạnh nam châm; hay sự nhẵn nhụi của lớp da trên bề mặt quân cờ tướng, cùng với sự cứng cáp và sang trọng của mặt đồng thau bao ngoài.
Đồng thau cũng giúp trải nghiệm đánh cờ thêm phần kịch tính, bởi nó tạo ra âm thanh vang dội khi chiếu tướng đối phương…
Khi giãn cách xã hội do Covid-19, có một sản phẩm của anh gây được tiếng vang khá lớn trên thị trường nội địa. Đó là bộ Cờ tỷ phú Hà Nội và Cờ tỷ phú Sài Gòn. Từ đâu mà Maztermind có ý tưởng này?
Hai sản phẩm này đã được chúng tôi sản xuất trước thời gian xảy ra đại dịch. Khi đó, tôi muốn Việt hóa bộ cờ tỷ phú để có thêm một sản phẩm lưu giữ chút dấu ấn Việt Nam cho khách ngoại quốc mang về nước, do đó, tôi chọn câu chuyện kinh doanh từ gánh hàng rong lên thành cửa tiệm rồi thành nhà hàng… với quân cờ di chuyển là chiếc ghế nhựa – một vật dụng đi liền với văn hóa ẩm thực đường phố Việt Nam.
Tình cờ, khi giãn cách xã hội, nhiều bạn trẻ không đi du lịch được nên đã chọn cách “dạo chơi” trên bàn cờ tỷ phú. Tôi rất vui vì điều này.
Các sản phẩm của Maztermind sẽ phân phối ra thị trường như thế nào? Anh có tham vọng gì về việc đưa Maztermind xuất ngoại hay không?
Ngay từ đầu, các sản phẩm của Maztermind được sản xuất để hướng tới thị trường nước ngoài. Để có thể đưa sản phẩm ra thế giới mà vẫn giữ được thương hiệu thì chỉ có cách thông qua kênh thương mại điện tử là hiệu quả nhất.
Gần 15 năm tự kinh doanh giúp tôi biết đâu là công thức tốt nhất để tự mình phân phối sản phẩm mà không cần bên thứ 3, đồng thời không tạo ra bất kỳ khoảng cách nào giữa Maztermind và khách hàng.
Anh duy trì song song khá nhiều dự án kinh doanh, vậy với Maztermind anh tâm huyết đến đâu?
Maztermind là ván cờ chiến lược của tôi. Mục tiêu của Maztermind là tạo ra danh tính rõ ràng cho thương hiệu, với các bộ sưu tập sản phẩm đa sắc và có câu chuyện văn hóa.
Sau các dự án kinh doanh như các “nước đi” thăm dò, tôi nghĩ với Maztermind, đã đến lúc tôi tung ra quân át chủ bài!
Bài: TƯỜNG BÁCH - Ảnh: NVCC