5 đoản khúc về trà và buổi hầu trà đáng nhớ

Tôi ngộ ra một điều, chỉ có trà mới đem lại cho buổi gặp gỡ giữa hai người đứng đầu hai quốc gia – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Nhật Hoàng, không khí tươi mát, ấm áp, an lành đến vậy. Chỉ có trà mới mang một bậc đế vương từ nước Nhật xa xôi đến với một người dân bình thường ở Việt Nam là tôi một cách gần gũi, thân mật đến như vậy.

1. Thuở nhỏ, vào những dịp hầu trà các bậc thúc bá trong gia đình, tôi vẫn thường nghe các cụ bảo: “Trà là một nghệ thuật lớn”. Khởi từ đất trồng, địa hình, khí núi, nắng mưa, sương gió tưới tắm, ươm bật thành lộc non, lá nõn cho đến khi thu hái, sao chế, để có được một ấm trà ngon mà nhâm nhi thưởng thức là cả hành trình dằng dặc mà mỗi chặng, mỗi nhịp đều phải đạt đến cái chân nghệ thuật thì cái đích cuối cùng: một chén trà ngon mới thật là viên mãn.

Không phải ngẫu nhiên mà trong tất cả các thức uống của cõi nhân sinh này, trà được xem là nghệ thuật tinh vi nhất. Cũng một đồi trà, nhưng trà hướng Đông (Đông pha) bao giờ cũng ngon hơn trà hướng Tây (Tây pha). Bởi cây trà hướng Đông đón nhận những tia nắng mặt trời buổi sớm nên phản ứng sinh trưởng khác với cây trà hướng Tây.

Lại nữa, cũng một vườn trà nhưng bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông là bốn mùa trà với bốn mùa hương vị. Tuyệt hảo nhất là trà “Xuân 1” hay còn gọi là trà “Tiền minh” (trước tiết Thanh minh). Khi cái giá rét của mùa Đông vừa qua đi, những tia nắng ấm đầu tiên của mùa Xuân vừa ló rạng thì những đọt non cũng bừng nhú trên những cành chè khẳng khiu. Thứ đọt non ấy nếu hái lúc sớm tinh mơ, khi cả đồi chè còn chìm trong sương rồi đem về “sao suốt” trên chảo gang thì hương thơm ngào ngạt như chõ xôi nếp cái, hậu vị ngọt bền vấn vít mãi trong cổ họng như ngậm đường phèn. Các cụ bảo: “Uống một tách trà, đi xa vạn dặm” là vậy.

Loại trà ấy, thời xưa, chuyên dùng để tiến vua. Những thiếu nữ đồng trinh với đôi tay mềm mại dùng móng tay dài khẽ khàng bấm từng đọt non trên cùng của búp trà. Da thịt không được chạm vào bởi họ sợ dường như sức nóng của cơ thể, mùi của thịt da sẽ làm lệch lạc đi hương vị của trà. Khi búp trà được sao khô trên chảo gang dưới bàn tay chai dày của những nghệ nhân nức tiếng sẽ cong như lưỡi con chim sẻ nên còn gọi là trà “Tước thiệt” (lưỡi con chim sẻ).

3

2. Nói đến sự công phu, tinh vi của nghệ thuật trà, tôi vẫn kính nể nhất “anh” Trung Quốc. Vẻ màu mỡ, tốt tươi của hàng ngàn dãy núi điệp trùng bảng lảng khói sương, xanh mướt nương chè cùng những bí quyết sao tẩm “chém cột nhà thề bất khả truyền” của hàng vạn nghệ nhân trà Trung Quốc đã sản sinh ra không biết bao nhiêu danh trà nức tiếng, trong đó, với tôi, trác tuyệt nhất là trà Trinh nữ.

Chuyện rằng: Ở ngọn núi Vũ Di (tỉnh Phúc Kiến) vời vợi cao bốn mùa sương phủ, nơi con suối Hổ Báo tuyền chùng chình vắt qua như một dải lụa mềm có một cánh rừng trà cổ thụ chừng mấy chục nghìn cây. Vào mùa xuân, khi hoa mai nở trắng ngần bên ngôi chùa cổ, cũng là lúc những đọt non trà bừng nhú. Những thiếu nữ đồng trinh đẹp dịu dàng khẽ khàng bấm từng búp trà non mởn ấy sao cho không bị dập, bị nát để hương trà không bị ôi oai...

4

3. Người Việt ta dường như mở mắt chào đời đã thấy trà, uống trà trọn đời, đến khi về cõi thiên cổ, vẫn được tẩm liệm với trà. Trong nghệ thuật ướp trà sen, trà mạn hảo được ưa chuộng nhất. Đó là trà Tuyết Shan cổ thụ vùng mạn ngược Hà Giang mọc tự nhiên trên những dãy núi cao từ 800 - 1300m quanh năm sương phủ. Để chống chọi với khí hậu khắc nghiệt, những búp trà phải gồng sức vươn lên đón nhận từng giọt nắng mặt trời.

Chính cuộc chống trả quyết liệt cho sự sinh tồn ấy đã tạo cho trà Tuyết Shan một hương vị đặc biệt, khiến những người sành trà luôn săn tìm, yêu thích. Các nghệ nhân trà Hà Nội trân trọng, nâng niu như một báu vật. Họ chọn lựa những búp trà non, những lá trà bánh tẻ. Cuống và lá trà già bị loại bỏ rồi rửa sạch, cho vào chõ đồ chín. Sau khi phơi khô, họ cho trà vào chum (vại), trên phủ một lớp lá chuối khô, ủ từ... 3- 4 năm cho trà phong hoá bớt chất chát, có độ xốp như giấy bản mà hương vị đặc trưng của trà vẫn lưu giữ.

Khi ướp, người ta rải một lớp trà rồi một lớp gạo sen mỏng, rồi lại một lớp trà, một lớp gạo sen. Cứ thế cho đến khi hết trà. Sau cùng, phủ một lớp giấy bản. Thời gian ướp tuỳ thuộc vào độ ẩm của gạo sen nhiều hay ít, thường từ 18 - 24 giờ. Sau đó, đem sàng để loại bỏ những hạt gạo sen.

Sàng loại xong, trà được đóng vào những chiếc túi làm bằng giấy chống ẩm để giữ lấy cả hương sen lẫn hương trà rồi sấy cho đến khi cánh trà khô, hương sen quyện thì bỏ ra. Lại ướp một lần sen thứ hai, thứ ba, thậm chí thứ tư, thứ năm tuỳ thuộc vào sở thích của người thưởng trà đậm hay nhạt. Càng ướp nhiều lần thì hương sen càng quyện vào cánh trà, trà càng thơm.

5

4. “Nhất thuỷ, nhị trà, tam pha, tứ ấm”. Muốn có một chén trà ngon, điều trước tiên phải săn lùng cho được nguồn nước quý. Thứ đến mới là trà ngon, đôi bàn tay khéo léo của người pha và cuối cùng mới là bộ đồ trà chuẩn. Từ thế kỷ thứ 7 đời nhà Đường, trà sư Lục Vũ, với tác phẩm “Trà kinh” đồ sộ, đã có công nâng trà lên thành nghệ thuật, sánh vai cùng các môn nghệ thuật khác như cầm, kỳ, thi, hoạ…

Cuốn “thánh kinh” về trà ấy gồm 10 chương, một trong những chương mà trà sư Lục Vũ viết hay nhất, theo tôi, chính là chương bàn về nước pha trà. Tôi vô cùng tâm đắc với cách cụ Lục Vũ đặt tên cho nước pha trà: Trà hữu. Nước là bạn thân thiết của trà. Chỉ nội cách gọi tên ấy thôi cũng đủ thấy cụ Lục Vũ nâng nước pha trà lên tầm quan trọng như thế nào. “Sơn thuỷ thượng, giang thuỷ trung, tĩnh thủy hạ”. Trác tuyệt nhất là nước suối đầu nguồn. Thứ nhì là nước ở giữa dòng sông xa người ở. Và cuối cùng là nước giếng trên núi đá.

Ở Việt Nam, tuy không có một bậc cao nhân nào kỳ công tìm hiểu từng ngọn suối lạch sông như cụ Lục Vũ để xếp hạng nguồn nước nhưng dường như, trong đời sống thực tại thưởng trà của mình, người Việt ta cũng rất ưa chuộng nước suối. Từ xa xưa, nhiều bậc hiền nhân vì muốn xa lánh cõi tục trần, sẵn sàng treo ấn từ quan, rũ bỏ chốn phồn hoa đô hội, lên núi ở ẩn, dựng lều bên suối, để sẵn nước pha trà.

Đại thi hào Nguyễn Trãi, người đã hoàn thành sứ mệnh hiển hách giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, mang lại thanh bình và tự chủ cho dân tộc, cũng chỉ ao ước: “Hà thời kết ốc vân phong hạ/ Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên” (Bao giờ dưới núi làm nhà/ Nước khe gối đá pha trà ngủ say).

Đặc biệt, tương truyền, chúa Trịnh Sâm xưa, mỗi sáng tinh mơ thường cho người hầu của mình ra Hồ Tây hứng từng giọt sương đọng trên lá sen để pha trà. Nghe chuyện, tôi mạo muội nghĩ rằng, nếu so sánh từng giọt sương trong vắt tinh khiết trên lá sen thanh sạch ấy với sơn thuỷ thượng của cụ Lục Vũ, không hiểu nước nào sẽ ngon hơn nước nào đây? Nếu được chọn lựa, tôi sẽ chọn thứ “thiên thuỷ” trong ngần được chắt chiu từ hàng ngàn giọt sương long lanh đọng trên lá sen của chúa Trịnh Sâm.

6

5. Sau này, khi đã gắn đời mình với nghiệp trà, noi gương cổ nhân, bàn chân tôi đã đi khắp mọi nẻo đường để nghiên cứu, truyền bá văn hóa trà Việt Nam với hàng ngàn buổi nói chuyện, trình diễn khắp mọi miền đất nước và nhiều nơi trên thế giới. Nhưng với tôi, chưa có buổi trình diễn trà nào để lại nhiều ấn tượng, cảm xúc như buổi dâng trà cho Nhật Hoàng và Hoàng hậu vào sáng 3/3/2017 tại Nhà khách Văn phòng Trung ương Đảng.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam khi ấy là ông Nguyễn Phú Trọng và phu nhân đã tổ chức bữa tiệc trà tiếp đón Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam. Tôi vinh dự được pha trà và dâng trà các vị khách quý.

Bữa tiệc trà hôm đó chỉ kéo dài chừng 30 phút nhưng tôi đã phải chuẩn bị cho buổi trình diễn trà vô cùng kỹ càng, công phu. Hồi hộp, lo âu, căng thẳng. Nhưng khi Đức Vua cùng Hoàng hậu xuất hiện, tiến về phía bàn trà, nụ cười trìu mến, thân thiện cùng cái bắt tay nồng ấm của ngài khiến những lo âu, căng thẳng trong tôi chợt tan biến. Nụ cười tươi mát, thân thiện, trìu mến ấy luôn nở trên môi ngài mỗi khi tôi dâng trà lên Đức Vua và Hoàng hậu.

Thậm chí, khi tôi chắp tay búp sen cùng nụ cười tươi thay lời chào, Hoàng hậu cũng chắp tay búp sen đáp lễ. Sang trọng mà gần gũi, lịch thiệp mà thân thiện, đó là vẻ đẹp luôn tỏa rạng ở hai người. Thật may, nhờ nhiều năm tu tập thiền nên năng lượng chánh niệm đã giúp tôi có được những bước chân thật an lạc, thần thái thật tươi mát cùng nụ cười tươi như hoa.

Trong bữa tiệc trà sáng hôm ấy, tôi đã dâng mời Vua Nhật, Hoàng hậu, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân cùng quan khách hai nước thưởng thức 2 đặc sản trà nổi tiếng của Việt Nam: Trà Tân Cương thượng hạng (chỉ hái một đọt non trên cùng), vùng trà xanh nổi tiếng nhất của tỉnh Thái Nguyên và Trà Sen Tây Hồ (do chính tay tôi tẩm ướp theo phong cách truyền thống). Hương thơm của trà Việt, hậu vị ngọt bền của trà Việt đã chinh phúc hoàn toàn Đức Vua, Hoàng hậu và toàn thể quan khách. Các vị đã uống cạn những chén trà với vẻ thích thú và liên tục ban tặng nhiều lời khen.

Kết thúc buổi tiệc trà, khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và phu nhân tiễn khách, Đức Vua và Hoàng hậu tiến về phía bàn trà của tôi lần nữa, ban tặng lời khen “trà ngon quá”, cùng lời cảm ơn, nụ cười tươi mát như hoa. Đức Vua và Hoàng hậu bắt tay tôi lần nữa. Bàn tay hai người thật mềm, thật ấm áp. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cười vui: “Cháu đúng tên là Sướng. Sướng nhé”. Đức Vua và Hoàng hậu đã lên xe nhưng năng lượng an lành, tươi mát vẫn lan tỏa trong trà phòng.

Tôi chợt ngộ ra một điều, chỉ có trà mới đem lại cho buổi gặp gỡ giữa hai người đứng đầu hai quốc gia – Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Nhật Hoàng, không khí tươi mát, ấm áp, an lành đến như vậy. Chỉ có trà mới mang một bậc đế vương từ nước Nhật xa xôi đến với một người dân bình thường ở Việt Nam là tôi một cách gần gũi, thân mật đến như vậy. Một chén trà nhỏ mà chứa đựng biết bao năng lượng của bình an, tình thương mến. Một chén trà nhỏ mà bắc cả một nhịp cầu yêu thương, hòa bình gắn kết giữa hai quốc gia. Và đó là buổi hầu trà đáng nhớ nhất trong đời tôi.

Tác giả - nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng sinh ngày 26/4/1973 trong một gia đình truyền thống làm trà nổi tiếng ở Hà Nội. Anh là truyền nhân đời thứ 6 của dòng trà Trường Xuân.

Anh đã dành cả cuộc đời, đi khắp mọi miền đất nước và nhiều nơi trên thế giới để truyền bá vẻ đẹp của văn hóa trà, nghệ thuật trà Việt Nam. Bởi với anh, đó cũng là cách truyền bá nghệ thuật chế tác hạnh phúc, an lạc, nuôi dưỡng tình thương, xóa bỏ hận thù qua chén trà.