TP.HCM những ngày bùng phát đợt dịch Covid-19 thứ tư. Sự lây lan của căn bệnh này khiến không ít người liên tưởng đến hiệu ứng Domino, vật đầu tiên sụp đổ, những vật còn lại sẽ khó trụ vững. Số ca mới tăng nhanh, lượng bệnh nhân tử vong nhiều hơn mỗi ngày. Hệ thống y tế quá tải. Chứng kiến bao cảnh đời khó khăn nay càng khó khăn hơn, nỗi chua xót, đau đớn trong tôi không gì đong đếm nổi.
Những ngày ấy, tôi đi như con thoi, lúc đến các cơ sở y tế trao máy xét nghiệm, lúc trao xe cứu thương; lên kế hoạch triển khai gấp rút các dự án ATM; kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ những chương trình từ thiện… Điện thoại liên tục, hối hả, những đêm không ngủ, những bữa cơm vội vàng, gấp gáp, bao nhiêu việc cần lo, bao con người, nhiều cơ sở đang cần tôi, chờ tôi.
Trong thời khắc khó khăn ấy, tôi thấy mình thật may mắn khi bên cạnh luôn có nhiều người bạn tốt, họ là những tình nguyện viên sẵn sàng tham gia hết mình cùng các chương trình ATM, những doanh nhân của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, những mạnh thường quân… cùng đồng trí, đồng lòng với tôi trong sứ mệnh thiện nguyện.
Sức người, sức của cùng dòng máu nóng của lòng nhân ái, sống đẹp đã tạo thành sức mạnh khiến không điều gì có thể làm khó chúng tôi.
Những kỷ niệm không thể nào quên
Cơn gió nhẹ thoảng qua. Sương đêm bắt đầu nặng hạt. Ký ức ùa về khiến tôi bồi hồi nhớ đến ATM Oxy - chương trình lấy của chúng tôi nhiều nước mắt nhất.
Thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh, bao bệnh nhân F0 cận kề cửa tử vì thiếu oxy trợ thở, ngay khi ý tưởng về Chương trình ATM Oxy được manh nha, tôi cùng các doanh nhân trong Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhanh chóng bắt tay biến kế hoạch thành hiện thực.
Như các chương trình ATM khác, chúng tôi khá tự tin bởi đã có nhiều kinh nghiệm và nguồn lực. Rất nhiều tình nguyện viên nhiệt tình đăng ký tham gia chương trình. Quy trình cùng các phương án thực hiện được đề ra chi tiết, cụ thể; sau khi tính toán, chúng tôi hoàn toàn tự tin đáp ứng đủ nhu cầu oxy của thành phố.
Tuy nhiên, chúng tôi không lường trước được số ca bệnh mới tăng quá nhanh. Từ trung bình vài trăm ca mỗi ngày, lúc đỉnh dịch, con số ấy tăng lên hàng nghìn. Nhu cầu tăng đột biến, việc di chuyển nạp oxy lại khó khăn hơn khi Chỉ thị 16 áp dụng cho toàn thành phố.
Một đêm muộn, anh Hoàng Tuấn Anh (ủy viên Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam) gọi cho tôi, giọng gấp gáp, dồn dập, thông báo: “Bình chứa oxy đang rất thiếu”.
Không suy nghĩ nhiều, tôi lập ngay một nhóm họp trực tuyến mời lãnh đạo hội các tỉnh thành tham gia, cùng nhau tìm phương án giải quyết. Bằng bất cứ giá nào, chúng tôi cũng phải làm được. Đây là câu chuyện giữa sự sống và cái chết, là cuộc đời của một người nào đó, là hạnh phúc của một gia đình…
Đêm xuống là thời điểm tình trạng khó thở của bệnh nhân Covid-19 có biểu hiện nặng lên. Những cuộc gọi cầu cứu từ gia đình bệnh nhân dồn dập, khẩn thiết hơn. Ngoài đêm tối kia, các tình nguyện viên tất bật chạy đua giành giật từ tay tử thần từng hơi thở cho bệnh nhân. Đau lòng biết bao khi chúng tôi tiếp nhận những cuộc điện thoại mà phía bên kia ngập trong nước mắt.
Chúng tôi bàn đến mọi phương án: Vay, mua bình oxy, thậm chí liên hệ các doanh nghiệp gần biên giới để sẵn sàng mua thêm bình từ nước bạn bất cứ khi nào. Nhiều nhà máy đã sẵn sàng đổi công năng sang sản xuất oxy để hỗ trợ chương trình.
Và may mắn đã mỉm cười, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã kết nối được lượng bình lớn cho Chương trình ATM Oxy, hỗ trợ cho hơn 40.000 F0 tại TP.HCM và 20.000 F0 khác tại các tỉnh lân cận, tiếp sức cho thành phố chống dịch.
Khi ấy, lực lượng doanh nhân chúng tôi kết thành một khối với tinh thần chung, sát cánh bên nhau. Chúng tôi giống như bụi trúc trước hiên nhà, mặc sóng gió, mưa bão, chỉ cần vững chí bên nhau, sẽ không gì lay đổ được. Những lớp măng non sẽ lớn lên, kết dày hơn, vững vàng, mạnh mẽ hơn, kiên cường như tinh thần thiện nguyện của chúng tôi vậy.
“Đức năng thắng số”
Gia đình tôi có truyền thống theo đạo Phật. Những câu kinh, lời răn của cha của mẹ thấm vào trong tôi từ thuở bé, giúp tôi hiểu rằng: Sống ở đời cần chia sẻ, có trách nhiệm với xã hội, với những người khó khăn.
“Mình cố gắng một chút là giúp thêm được một người đỡ khổ”, tâm niệm vậy nên khi có ý tưởng, có cơ hội để làm việc thiện, tôi lại hăng say như làm cho chính bản thân, gia đình mình.
Cũng có không ít khó khăn, những khoảng khắc mệt mỏi, cô đơn vì phải cách ly gia đình do sợ lây nhiễm virus cho người thân, nhưng càng khó khăn, tôi càng buộc mình phải mạnh mẽ hơn. Tôi không cho phép mình chùn bước, bởi trực tiếp tham gia chống dịch, hiểu được những khó khăn, vất vả của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế; những mong mỏi và kỳ vọng của bệnh nhân, tôi càng quyết tâm làm những việc có ích.
Một năm đã qua, thay mặt Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, tôi xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến các doanh nghiệp, các mạnh thường quân đã quan tâm, đồng hành ủng hộ các chương trình thiện nguyện ý nghĩa của hội trong suốt thời gian qua. Đây sẽ là động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc đồng hành cùng thành phố nói riêng, đất nước nói chung phòng, chống dịch bệnh và các hoạt động thiện nguyện.