Trong những ngày đầu tiên của năm 2022, TS. Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Công nghệ thông tin và Giám đốc Văn phòng TP Thông minh BECAMEX IDC, Giám đốc Trung tâm Sản xuất thông minh BECAMEX IDC, đã có cuộc trao đổi với Doanh Nhân Trẻ về chủ đề chuyển đổi số trong sản xuất và sản xuất thông minh.
Phóng viên: Thưa TS, vẫn biết chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nhưng để hình dung về viễn cảnh tương lai của sản xuất thông minh, các doanh nghiệp cần bắt đầu từ đâu khi có quá nhiều vấn đề cần giải quyết, chứ không chỉ là các giải pháp công nghệ hỗ trợ trong việc ứng dụng phát triển mô hình sản xuất thông minh?
TS. Phạm Tuấn Anh: Có thể có nhiều cách tiếp cận để bắt đầu, nhưng với kinh nghiệm của Becamex, chúng tôi không bắt đầu bằng việc lựa chọn công nghệ nào, công nghệ thời thượng hay không, mà chúng tôi lựa chọn bắt đầu từ việc phân tích mô hình kinh doanh hiện hữu của chính doanh nghiệp mình, vì mỗi doanh nghiệp sẽ có mô hình kinh doanh khác nhau, phân khúc khách hàng và lịch sử phát triển, tiền đề cho việc hình thành các văn hóa doanh nghiệp khác nhau.
Vì vậy, từ mô hình kinh doanh sẽ phân tích những vấn đề của doanh nghiệp ở trên ba khía cạnh: Tổ chức (bao gồm văn hóa, mô hình quản trị, nguồn nhân lực,…), tiếp đó là quy trình và cuối cùng mới là hiện trạng và ứng dụng công nghệ. Điều này cũng đúng với doanh nghiệp sản xuất.
Nếu một doanh nghiệp sản xuất chỉ tập trung vào việc cố gắng ứng dụng những công nghệ thời thượng như IIoT, AI, Big Data, nhà máy thông minh…, mà bỏ qua quá trình đánh giá về nguồn nhân lực số của mình, đánh giá và chuẩn hóa về quy trình, quy chuẩn của tổ chức của mình, thì việc ứng dụng công nghệ một cách cưỡng ép đôi khi tạo ra tác dụng ngược.
Để tránh được điều đó, doanh nghiệp phải có lãnh đạo số, người có tầm nhìn về công nghệ, thấu hiểu và gần gũi với mô hình kinh doanh hiện hữu, thấu hiểu về quản trị nhân sự, có được sự ủng hộ và cam kết vững chắc từ lãnh đạo, từ đó định hướng những bước đi cụ thể cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp thì sẽ an toàn và xác suất thành công cao hơn.
* Làm thế nào để cải thiện hiệu năng của nhà máy, tận dụng những tính năng tiên tiến nhất, tối ưu hệ thống hiện tại thay vì phải “đập đi xây mới” hoàn toàn, thưa TS?
- Việc phá bỏ xây mới hoàn toàn hay việc tận dụng nền tảng có sẵn để tiếp tục phát triển nó tùy thuộc vào bài toán cụ thể, trong từng trường hợp cụ thể. Nhưng trong thực tế ít ông chủ doanh nghiệp nào chấp nhận việc xây mới toàn bộ vì liên quan đến khía cạnh hiệu quả đầu tư, thói quen và trải nghiệm của người dùng…, và là người làm chuyển đổi số có kinh nghiệm thì không ai lựa chọn phương án này.
Doanh nghiệp sản xuất cũng không nằm ngoài các yếu tố đó, thông thường các dây chuyển sản xuất hiện hữu đã và đang vẫn đáp ứng được nhu cầu hiện tại của doanh nghiệp.
Để bắt đầu quá trình chuyển đổi và ứng dụng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp sản xuất có thể sử dụng nhiều bộ chỉ số đánh giá tính sẵn sàng ứng dụng công nghiệp 4.0, như bộ chỉ số SIRI của EDB Singapore. Nhưng đối với đại đa số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ bị bối rối không biết bắt đầu từ đâu nếu thực hiện đầy đủ bộ đánh giá này.
Từ kinh nghiệm thực tế của chúng tôi, tôi đề xuất các doanh nghiệp nên đi vào trực diện, bắt đầu từ công tác quản lý và vận hành sản xuất, sản xuất tinh gọn, áp dụng SQCDE để xác định rõ những tồn tại của dây chuyền sản xuất, qua đó hình thành được danh sách các mục tiêu cụ thể cần đạt được để cải tiến quá trình sản xuất tại nhà máy, từ đó mới lựa chọn; xác định các giải pháp công nghệ tự động hóa tối đa để đạt được các mục tiêu đã đề ra, đồng thời có thể đánh giá được hiệu quả đầu tư ngay từ quá trình lên kế hoạch các giải pháp.
Cuối cùng, để thành công doanh nghiệp cần có chiến thuật triển khai uyển chuyển giữa việc xây dựng đội ngũ nòng cốt nội bộ, sử dụng nguồn nhân lực thuê ngoài và các giải pháp của các nhà cung cấp dịch vụ, việc lựa chọn chiến thuật hợp lý sẽ giúp tiết kiệm nguồn lực, đảm bảo sự thành công của quá trình chuyển đổi số sản xuất.
* Một nhà máy thông minh trong tương lai phải hoàn toàn tự vận hành được, giảm thiểu tối đa sự có mặt của con người, kết nối 5G kết hợp các máy tính hiệu năng cao và trí tuệ nhân tạo, khả năng tự hành dựa trên việc phân tích dữ liệu. Hệ thống tự nhận thức được, tự học được, tự phát triển, đảm bảo các khâu từ đầu vào đến sản xuất và bàn giao sản phẩm cho khách hàng… Hình ảnh này có quá xa với nền tảng chuyển đổi số của Việt Nam thời hiện tại, thưa TS?
- Thực chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mới bắt đầu được từ khoảng 10 năm nay, và đang ở làn sóng thứ nhất với những công nghệ đã và đang ngày càng trở lên phổ biến như IIoT, Big Data, Cloud Computing…, còn các công nghệ về 5G, hệ thống sản xuất tự hành, In 3D, và AI trong công nghiệp vẫn chưa thực sự trưởng thành hoặc gặp vấn đề về bài toán hiệu quả đầu tư.
Do đó, thị trường công nghiệp 4.0 thực chất là cuộc chơi bắt đầu lại với đại đa số các quốc gia trên thế giới. Đó là lý do người ta thường nói, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 chính là cơ hội lớn của các quốc gia đang phát triển, để có thể theo kịp các quốc gia đã phát triển trên thế giới, nếu như họ thực sự nắm bắt được và đầu tư nghiêm túc.
* Xin ông cho biết, doanh nghiệp phải chuyển đổi như thế nào để tận dụng sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng vào Việt Nam?
- Các hiệp định thương mại tự do và công nghệ đã và đang làm thế giới ngày càng trở lên phẳng hơn, người tiêu dùng ngày càng được kéo gần hơn đến với nhà sản xuất. Xu hướng Mass customization – Tùy biến hàng loạt, sẽ dần thay thế Mass Production – Sản xuất hàng loạt.
Hệ sinh thái sản xuất thông minh kết nối theo thời gian thực, bao gồm mạng lưới các nhà máy sản xuất, chuỗi cung ứng kết nối, chuỗi phân phối kết nối dựa trên công nghệ đã và đang dần hoàn thiện, điều này mang đến những cơ hội và cũng như thách thức lớn.
Dưới góc nhìn của tôi, đó mới chính là điểm mấu chốt làm thay đổi cuộc chơi, có tác động rõ ràng và sâu rộng hơn so với những dịch chuyển do các vấn đề địa chính trị gây ra.
Các vấn đề chính trị có thể tạo ra một số sự dịch chuyển theo ngành hẹp từ các quốc gia khác đến Việt Nam, nhưng sẽ khó có thể trên diện rộng do chúng ta thực sự vẫn còn thiếu nhiều điều kiện, từ chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng giáo dục, hậu cần, các ngành công nghiệp phụ trợ…
Vì vậy, để thích ứng với những xu thế mới, doanh nghiệp cần phải manh dạn chuyển mình ngay lúc này, chuyển thể từ demand driven - sản xuất theo nhu cầu và mass production – sản xuất hàng loạt sang Data driven, online driven – sản xuất dựa trên dữ liệu và kết nối và mass customization – tận dụng mạng internet, để tiến gần hơn đến việc cá nhân hóa đến tệp khách hàng nhỏ nhất có thể. Điều này sẽ giúp các nhà sản xuất tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm tồn kho và tăng giá trị sản phẩm đến mức tối đa.
Đồng thời, các nhà sản xuất cần mạnh dạn chuyển đổi, ứng dụng công nghệ để nâng cấp các nhà máy sang nhà máy thông minh, dựa trên dữ liệu, đó là tiền đề rất tốt để từng bước tiến đến dây chuyển sản xuất tự động hóa và cao hơn nữa là tự hành. Khi mọi thứ còn chưa hoàn thiện và trưởng thành là lúc cơ hội mở ra cho tất cả mọi người.
* Từ những nhận thức nhất quán như trên, là một nhà phát triển hạ tầng công nghiệp, cho thuê các dịch vụ công nghiệp, Becamex IDC có những chiến lược gì để thích ứng với thời đại kinh tế số, thưa ông?
- Là doanh nghiệp hoạt động trong mảng hạ tầng công nghiệp, hơn ai hết chúng tôi cảm nhận rõ hơi thở của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, Hội đồng quản trị và Ban tổng giám đốc của Becamex IDC xác định rõ thế hệ sản phẩm tiếp theo của chúng tôi sẽ không phải là những khu công nghiệp truyền thống đơn thuần, mà sẽ chuyển đổi sang những hình thái mới, bổ sung thêm những tầng dịch vụ về số.
Cụ thể: Giai đoạn hiện nay, chúng tôi đang tập trung xây dựng các khu công nghiệp thông minh, nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu, bên cạnh các tiện ích công nghệ để tối ưu hóa quá trình vận hành và khai thác như nhà máy xử lý nước thải thông minh, đèn đường thông minh…
Khu công nghiệp thông minh của chúng tôi còn phải có khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như IoT, Big Data…, để giúp nhà đầu tư dễ dàng xây dựng, triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh trong hệ sinh thái của chúng tôi một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Song song với đó, để đón đầu giai đoạn thị trường 4.0 phổ biến như thị trường 3.0 hiện nay, Becamex IDC sẽ tập trung xây dựng các khu công nghiệp gắn liền với khoa học và công nghệ, các quận đổi mới sáng tạo đan xen trong các khu đô thị tích hợp với khu công nghiệp mà chúng tôi đầu tư nhằm thu hút các viện trường, các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các hoạt động khởi nghiệp các ngành dịch vụ, dịch vụ số, dần hình thành các cụm động lưc nâng cấp hệ sinh thái hiện hữu, tạo lợi thế cạnh tranh thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, dần rời xa các ngành thâm dụng lao động, dựa trên nhân công giá rẻ.
Tất cả những hoạt động này của chúng tôi đã được triển khai từ hơn 5 năm qua và bước đầu đã thu được những kết quả tích cực, như hệ thống trung tâm xuất sắc 4.0, phòng lab 4.0, vườn ươm khởi nghiệp, đại học quốc tế... đã và đang hình thành tại Thành phố mới Bình Dương.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Cẩm Lệ (thực hiện)