"Trật tự thế giới" sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã hứa hẹn một thế giới kết nối bằng giao thương và hợp tác giữa các quốc gia. Giờ đây, trật tự đó đã bị phá hủy, để lại nạn lạm phát toàn cầu, xung đột thương mại, chiến tranh và chuỗi cung ứng đứt đoạn.
Ba mươi năm về trước, những cường quốc thế giới đan xen vào cái mà Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ - George H.W.Bush - gọi là "Trật tự thế giới mới". Chế độ Xô viết tan rã, Trung Quốc theo đuổi thị trường thương mại và Mỹ trở thành "kẻ hành pháp an ninh" trong một thế giới kết nối chặt chẽ hơn bao giờ hết.
Thương mại trở thành trung tâm. Những hiệp ước trong những năm 1990, đầu 2000 dọn đường cho các nền kinh tế tích hợp với nhau, mang đến hy vọng cho hợp tác chính trị toàn cầu.
Bùng nổ vay vốn từ các ngân hàng quốc tế kết nối các quốc gia lại với nhau bằng sổ ghi nợ.
Một thời đại hòa bình mới kéo dài đến đầu những năm 2000, đẩy chi tiêu quân sự xuống thấp. Nhưng những vết rạn nứt bắt đầu xuất hiện...
Trong năm 2001, tổ chức khủng bố Al Qaeda tấn công, khiến quân đội Mỹ tấn công Afghanistan và Iraq. Tổng thống Vladimir Putin bắt đầu công cuộc hồi phục vị thế của nước Nga.
Hiểm họa biến động kinh tế tăng trong bối cảnh thế giới ngập tràn tiền mặt, dẫn đến khủng hoảng kinh tế thế giới vào năm 2018, khi mức vay toàn cầu đảo ngược.
Thương mại toàn cầu không thể lên cao hơn nữa. Tuy nó đóng vai trò là động lực thúc đẩy thế giới trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế nhưng lại chuẩn bị bối cảnh cho các cường quốc đối đầu nhau.
Chuỗi cung ứng
Những công ty đa quốc gia khổng lồ đã tách sản phẩm của họ thành nhiều mảnh nhỏ, được lắp ráp từ mạng lưới cung ứng trải dài khắp thế giới. Nga là một nhà sản xuất chủ chốt cho nguyên liệu thô, Trung Quốc là nhà máy thế giới, Mỹ dẫn đầu trong hệ thống vận tải, tài chính và tiêu thụ.
Sản phẩm nội thất là một góc nhìn cho thấy hệ thống cung ứng hoạt động như thế nào. Bắt đầu từ những năm 2000, Nga trở thành quốc gia đứng đầu trong xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ đến Trung Quốc.
Ở mặt khác, Trung Quốc đóng vai trò là nhà máy sản xuất của thế giới. Nhập khẩu sản phẩm nội thất từ Trung Quốc đến thị trường Mỹ đạt đỉnh điểm trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, sau đó rớt đột ngột khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thuế nhập khẩu cao đối với sản phẩm Trung Quốc.
Nhập khẩu số lượng lớn giúp hạ giá hàng hóa cho người tiêu dùng Mỹ nhưng đồng thời cũng đẩy lùi thị trường việc làm cho cùng ngành, một yếu tố gây căng thẳng toàn cầu.
Rối loạn trật tự
Kết nối toàn cầu có lợi ích của nó, nhưng khi căng thẳng dâng cao, các công cụ kết nối trở thành "vũ khí" cho xung đột.
Trật tự thế giới mới giúp giảm tỷ lệ nghèo toàn cầu bằng cách mang việc làm trả lương thấp đến nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc.
Nhân công chi phí thấp và tích hợp toàn cầu giúp kiểm soát lạm phát xuống thấp sau mức tăng đột ngột từ những năm 1990, khi Xô Viết tan rã.
Nhưng khi Trung Quốc ngày càng trở thành một "con quái vật" trong sản xuất, thị trường việc làm tại Mỹ hứng chịu ảnh hưởng nặng nề, trong ngành sản xuất nội thất và hơn thế nữa.
Mỹ sử dụng mức thuế nhập khẩu cao để đối phó với Trung Quốc và nhiều đối tác thương mại khác, bị chỉ trích là không công bằng. Các bên trả đũa lẫn nhau.
Liên kết toàn cầu trở thành một vũ khí chiến tranh, dưới dạng cấm vận, và được sử dụng triệt để khi cuộc chiến Nga - Ukraine bắt đầu.
Các chuỗi cung ứng toàn cầu chịu áp lực nặng nề. Các công ty Mỹ bắt đầu chuyển dần nơi sản xuất đến các quốc gia châu Á khác như Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan...
Các vấn đề chồng chéo cùng lúc: Căng thẳng đẩy mạnh lạm phát. Dịch Covid-19 lại càng cắt đứt chuỗi cung ứng. Cuộc chiến thuế, cấm vận đã khiến các công ty đa quốc gia xem xét kế hoạch mới. Chiến tranh ở Ukraine cắt nguồn cung năng lượng...
Và người tiêu dùng hứng chịu nỗi đau của một cuộc đổ vỡ Trật tự thế giới mới.
Bài và thiết kế: Xuân Hạo