Ngày 23/12, Vietravel Airlines sẽ nhận chiếc máy bay thứ 2. Và theo đúng kế hoạch thì trong tháng 1/2021, Vietravel Airlines sẽ nhận 3 chiếc máy bay. Chúng tôi cho rằng tốc độ này phù hợp với thời điểm cũng như hoàn cảnh Covid-19 hiện nay trên thế giới.
Đúng ra thì Vietravel Airlines đã có kế hoạch bay từ ngày 20/12, tuy nhiên do nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố dịch bệnh và quá trình nhận máy bay, chúng tôi phải dời lịch bay và thực hiện chuyến bay charter đầu tiên vào ngày 26/12 vừa qua trên chặng Hà Nội - Huế - TP.HCM theo quyết định chính thức của Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam.
Theo kế hoạch thì cho đến hết năm đầu tiên, mục tiêu của Vietravel Airlines chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên sẽ có 3 chiếc từ nay cho đến quý 1/2021 và sau đó giai đoạn 2 sẽ có thêm 5 chiếc nữa. Đến quý 2/2021 chúng tôi sẽ có 8 chiếc. Và nếu không có gì thay đổi thì đến cuối năm 2021, sẽ khai thác từ 15-20 chiếc trên các đường bay trong nước và chúng tôi cũng hy vọng sẽ khai thác một phần đường bay quốc tế sau khi các lệnh hạn chế được nới lỏng.
Theo thông tin thì Vietravel Airlines đã có sự thay đổi về loại máy bay mà hãng khai thác. Vì sao lại có sự thay đổi này thưa ông?
Trong kế hoạch ban đầu thì Vietravel Airlines có ký hợp đồng với Boeing để khai thác vận hành dòng máy bay Boeing, loại thân hẹp như 737 Max và 737 - 800 cũng như dòng thân rộng 787,… Tuy nhiên do thời điểm đó 737 Max chưa vượt qua kỳ kiểm định của Mỹ nên Vietravel Airlines đã thảo luận vào trao đổi với Boeing là không thể chờ lâu và có điều chỉnh lại hệ thống máy bay sử dụng để phù hợp với việc triển khai đề án.
Sau khi thống nhất được với Boeing, Vietravel Airlines đã tạm dừng ký hợp đồng với Boeing và chuyển sang hãng máy bay của Airbus với dòng 321, là dòng máy bay có số chỗ đáp ứng được yêu cầu. Như vậy, đến thời điểm này, Vietravel Airlines đang khai thác dòng máy bay mà Việt Nam đang khai thác thường xuyên và phổ biến là Airbus 321.
Vậy đối với các dòng máy bay này thì Vietravel Airlines đang thuê?
Thuê máy bay và mua báy bay là hai khái niệm. Đôi lúc có sự hòa trộn giữa 2 khái niệm này. Trước đây thuê là thuê, mua là mua. Sau này lại có thêm các khái niệm thuê-mua hay mua rồi cho thuê lại chính mình. Hiện nay các hãng hàng không ở Việt Nam đều áp dụng cả 3 hình thức này hết. Điều này sẽ giúp cho các hãng hàng không rất linh hoạt trong kế hoạch tài chính cũng như việc phát triển đội bay của mình. Vietravel Airlines cũng như vậy, trước mắt chúng tôi sẽ tập trung vào thuê trước, sau đó từng bước giải quyết chuyện mua hẳn rồi cho thuê. Đó là chuyện tương lai, trước mắt thì thị trường hàng không Việt Nam, hiện tượng “dư tải” vẫn khá nhiều, giá thuê cũng khá dễ chịu. Đây là một điều rất đặc biệt so với trước dịch và điều này giúp cho việc tiếp cận của chúng tôi thuận lợi hơn.
Hiện nay trên thị trường hàng không Việt Nam đang áp dụng 2 loại hình là giá rẻ và cao cấp, vậy Vietravel Airlines đang hướng theo loại hình nào?
Giữa hai loại hình dịch vụ bay là giá rẻ và full service thì chúng tôi ở giữa, gọi là hybrid. Mô hình hàng không hybrid hiện nay đang được thế giới rất ưa chuộng và phổ biến. Có những hãng hàng không hoàn toàn đi vào phân khúc full service, nhưng cũng có hãng hàng không chọn LLC. Chúng tôi cho rằng việc này tùy thuộc vào tình hình mỗi hãng vào tùy thời điểm. Vietravel Airlines ra đời vào thời điểm này, chúng tôi cho rằng với mức sống của người Việt hiện nay cũng như tình hình dịch bệnh thì chúng tôi chọn mô hình hybrid, tức là các chuyến bay sẽ không có ghế hạng C nhưng chất lượng phục vụ vẫn đảm bảo ở mức cao nhất. Điều này giúp khách hàng có thể tiếp cận được với mức giá hợp lý, đồng thời cũng đáp ứng được nhu cầu cho khách du lịch muốn những trải nghiệm tốt tương xứng với giá tiền bỏ ra.
Chọn thời điểm ra đời hãng bay đúng lúc diễn biến dịch phức tạp, liệu có quá liều lĩnh hay không thưa ông?
Đối với một startup khi ra đời, có rất nhiều yếu tố tác động như thị trường, tiềm lực kinh tế. Vietravel Airlines ra đời trong lúc thị trường đang có những khủng hoảng, có thuận lợi, có khó khăn. Thuận lợi là các hệ thống như cho thuê, phương tiện, nhiên liệu cho đến nhân lực tương đối dễ dàng hơn so với trước dịch. Đây là cơ hội để chúng tôi khởi nghiệp hãng hàng không với chi phí thấp nhất có thể. Tuy vậy vẫn có khó khăn. Khi thị trường giảm thì dòng tiền cũng giảm ở mức độ rất sâu. Lúc này hàng không sẽ đối mặt với hai chuyện.
Nếu chỉ đi thuê máy bay thì có khả năng cầm cự được qua dịch, còn đối với các hãng có đội bay lớn và đa chủng loại thì sẽ gặp khó khăn. Chúng tôi đánh giá là nếu theo con đường bán rồi thuê lại thì sẽ phải thuê trong thời gian rất dài, như vậy khi dòng tiền mất đi thì chúng tôi vẫn phải trả các chi phí định kỳ. Trước bối cảnh đó, chúng tôi chọn đi thuê, chi phí ban đầu thấp xuống, như vậy với một thị trường giảm sút sâu thì chúng tôi có thể cầm cự được.
Vậy theo ông, giữa bối cảnh các chuyến bay quốc tế vẫn chưa tái hoạt động. Đâu là khó khăn đối với một hãng bay mới như Vietravel Airlines?
Hiện nay việc cạnh tranh thị trường hàng không rất căng thẳng, yếu tố cạnh tranh không chỉ là chất lượng mà còn là câu chuyện đằng sau đó. Thời gian qua chúng ta bàn nhiều về vấn đề lượt bay, các hãng phản ứng về việc các lượt bay không được thuận lợi trong khi các hãng này dư tải và không dung hết công suất bình quân, điều này gây lãng phí rất lớn, thứ nhất là lãng phí nguồn tài lực quốc gia, thứ hai là nguồn vốn đầu tư của xã hội và làm thị trường lệch lạc. Chúng tôi cho rằng các hãng mới cũng nên được quan tâm và tạo điều kiện.
Có nhiều ý kiến rằng tại sao thị trường đang xuống mà lại có hãng mới ra. Chỉ số lập doanh nghiệp mới luôn là chỉ số phản ánh nền kinh tế có khả năng vượt qua khó khăn và phát triển. Bên cạnh các doanh nghiệp phải tạm ngưng hay thậm chí giải thể vẫn có hàng ngàn doanh nghiệp mới ra đời trong nhiều lĩnh vực khác nhau, hàng không cũng là một lĩnh vực kinh tế cần phát triển. Chỉ khi vận hành tốt hàng không sẽ giúp cho việc luân chuyển hàng hóa được thông suốt, điều đó góp phần giúp nền kinh tế linh hoạt hơn. Vietravel Airlines rất cần một sự nâng đỡ và hỗ trợ từ nhà nước để thể hiện đúng vai trò kiến tạo của mình. Chúng tôi chỉ mong ở những lượt bay còn dư của các hãng, hay những giờ trống thì chúng tôi sử dụng, nhưng về lâu dài, chắc sẽ cần một chính sách cụ thể để giúp các hãng mới có thể vươn lên phát triển.
Hàng không và du lịch là những ngành bị ảnh hưởng nhất. Chúng ta phải công nhận rằng lúc này điểm nghén tâm lý đang rất lớn. Và khi dịch bệnh được khống chế, du lịch và hàng không cũng là 2 ngành phục hồi nhanh nhất. Có người cho rằng hàng không và du lịch có tốc độ phát triển chậm nhất, tôi cho rằng nhận xét đó sai. Hàng không phải đi trước thì nền kinh tế mới trở nên năng động.
Vì thế, chúng tôi cho rằng sự cạnh tranh là cần thiết, buộc các hãng phải tăng chất lượng và phục vụ khách tốt hơn. Nhưng cũng nên làm sao để sư cạnh tranh được lành mạnh, cân bằng và công bằng.