Với bao đứa trẻ quê nghèo, tấm bánh đa mẹ mua làm quà mỗi buổi chợ phiên là thức quà đặc trưng không gì sánh nổi, để khi lớn lên, đi xa, mỗi lúc nhớ về, lại ước hóa thành trẻ nhỏ, ngóng mẹ nơi chân đê xao xác, chờ mẹ cho miếng bánh đa vừng ngọt bùi, thơm lựng...

Mỗi lần chợt nghe câu hát "Ơi quê ta bánh đa, bánh đúc. Nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt…" (nhạc phẩm Về quê của cố nhạc sĩ Phó Đức Phương) những người con xa quê lại nôn nao, nhớ quay quắt tấm bánh đa làng Kế - món quà quê bình dị gói ghém tuổi thơ bao người.Những ngày cuối năm, không hiểu sao tôi đặc biệt muốn ghé chợ bánh đa làng Kế, (làng Dĩnh Kế, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang - Phủ Lạng Thương xưa). Đến để được hòa vào hồn quê, kiếm tìm hương vị gợi nhớ, gợi thương bao kỷ niệm xưa cũ.

Chợ bánh đa làng Kế chỉ là vài ba quán hàng bán bánh. Ở đó, các bà, các cô ngồi bên chậu nhôm rực than hồng, xung quanh chất cao những chiếc bánh đa vừng, đôi tay thoăn thoắt quạt bánh, tiếng than củi nổ lách tách, mùi khói, mùi bánh quyện mùi vừng thơm phức, khói phả vào mắt cay cay. Cầm tấm bánh nóng hổi vừa quạt xong, đưa vào miệng cắn, giòn tan, ngọt bùi, thơm lựng đậm sâu, cảm giác như cơn gió mùa Đông tan biến, kỷ niệm tuổi thơ ùa về.

Đã sẵn sàng cho mùa xuân!

Chị Nguyễn Thị Nhung (47 tuổi), người có thâm niên hơn 30 năm bán và quạt bánh đa Kế, kể rằng, làm bánh theo kiểu của người Kế thoạt nhìn rất đơn giản, nhưng thực ra lại đòi hỏi sự công phu, khéo léo. 

Nguyên liệu chính để làm bánh đa là gạo, vừng lạc, khoai lang và cơm trắng. Trong đó, khoai lang là bí quyết riêng để tạo nên chiếc bánh vừa có màu đẹp vừa giúp vị bánh đa thêm đậm đà. Để làm được những chiếc bánh đa thơm ngon, giòn tan và đậm đà cần nhiều công đoạn rất cầu kỳ: Chọn loại gạo ngon, hạt tròn, mẩy, có mùi thơm sữa (chủ yếu nhập từ Hải Dương, Nam Định và Thái Bình); ngâm gạo trong nước chừng 2 - 3 tiếng đồng hồ, sau đó vớt ra cho cơm nguội vào trộn đều với muối, bóp thật đều và nhuyễn. 

Sau đó người làm bánh phải căn lượng bột gạo cho chuẩn để trộn bột nở. Lạc đem thái thủ công từng hạt thành những lát thật mỏng. Điều đặc biệt ở bánh đa Kế là người ta tráng bánh hai lần. Lần đầu khi bánh chín rồi nhưng còn ướt, họ vẫn để bánh trên mặt miếng vải ấy, rồi tiếp tục đổ thêm một lượt bột lên trên, đợi đến khi chín mới đưa ra. Bánh được tráng hai lần sẽ bảo đảm độ dày dặn.

Bánh chín, người thợ khéo léo lấy ra sao cho bánh không rách hoặc méo mó. Trước khi phơi bánh, người ta rắc một lượt vừng đen cùng lạc sống giã giập lên trên. Bánh đa được phơi trên những tấm phên đan bằng nứa. Khi khô, bánh được bảo quản rất cẩn thận. 

Trước khi bánh đa Kế đến với người tiêu dùng còn phải thông qua khâu nướng bánh. Đây là công đoạn cuối cùng, phức tạp, đòi hỏi sự tinh tế, kinh nghiệm. Những viên than củi được nhóm lên cho bén lửa, sau đó, người quạt bánh đặt những chiếc bánh đa lên trên chậu than hồng. Một tay cầm bánh đa, một tay cầm chiếc quạt nan. Người nướng phải quạt đều tay, liên tục, những chiếc bánh đa được lật đi lật lại thoăn thoắt. 

Theo chị Nhung, để có chiếc bánh ngon, người quạt bánh phải căn được nhiệt độ, cảm nhận độ giòn, màu sắc của bánh… Chiếc bánh đa ngon phải nở phồng, vàng rộm, những hạt vừng đen, lạc đỏ lấm tấm điểm xuyết như bức tranh đẹp nhiều màu sắc.

Bánh đa Kế nướng khéo trên than hoa mới ra được chiếc bánh giòn, thơm. (1)

Chị Nhung kể, thời ông bà, bố mẹ chị ngày xưa, mỗi khi tới phiên chợ, các hàng bánh đúc, bánh khoai, bánh rán… đều muốn bày hàng bên cạnh hàng bánh đa. Bởi họ được hưởng “ké” mùi bánh thơm, ngắm nhìn người quạt bánh như đang múa, nghe lao xao tiếng người mua, người bán, tiếng lách tách của than hồng…

Bây giờ, bánh đa Kế không chỉ bán ở chợ phiên mà có quanh năm ngày tháng, theo chân du khách thập phương đi khắp nước, thậm chí ra cả nước ngoài như Hàn Quốc, châu Âu… Hòa nhịp thời 4.0, người làm bánh làng Kế đang kỳ vọng sản phẩm mang hồn cốt Đồng bằng Bắc bộ này sẽ sớm được giao dịch trên sàn thương mại điện tử. 

Chiếc bánh đa ngon phải nở phồng, vàng rộm, những hạt vừng đen, lạc đỏ lấm tấm điểm xuyết như bức tranh đẹp nhiều màu sắc.
Chậu than hồng để quạt bánh.

Chậu than hồng để quạt bánh.

Cắn miếng bánh đa giòn rụm, nhấp thêm ngụm trà xanh, bạn sẽ được “thưởng thức” cả một nền văn hóa đồng quê với những phiên chợ trung du Đồng bằng Bắc bộ; như được hòa vào âm thanh của đất, của trời, của lòng người. Bấy nhiêu thôi đã đủ cho lòng ấm áp, reo vui…

Tôi rời làng Kế khi trời dần ngả về chiều, tiếng í ới, lao xao mời gọi như níu chân đi: “Ai bánh đa Kế nào. Mua bánh đa đi cô/chú…”, chợt lòng xốn xang đến lạ. Ngày đông nắng hanh hao, tết đang đến rất gần.