tit 1

“Quê tôi là một vùng đất trù phú, sông nước vây quanh, phải đi đò ngang mới về tới nhà. Nơi chốn giản dị này đã cho tôi một tuổi thơ với nhiều ký ức, hình ảnh, sự khéo léo của những người phụ nữ, trong đó có mẹ tôi.

Từ bàn tay mẹ, anh em tôi cảm nhận được hương vị của nhiều thức quà quê ngon, đẹp mắt, khó quên. Tất cả trở thành cảm hứng để tôi có ý tưởng đưa những món bánh quê dân dã thành thời trang” - Nguyễn Minh Công chia sẻ về việc ra mắt  Fashion - Food/Mini Collection 2021.

Những ngày về quê chống dịch, Công cùng ba mẹ thực hiện bộ sưu tập thời trang từ các món bánh quê.

Những ngày về quê chống dịch, Công cùng ba mẹ thực hiện bộ sưu tập thời trang từ các món bánh quê.

Công kể, đó là những ngày tháng 6/2021, khi dịch bệnh bùng phát tại TP.HCM, như nhiều người có quê, Nguyễn Minh Công chọn cách trở về nhà ở Vĩnh Long tránh dịch. Những ngày cả nhà quây quần bên nhau, mẹ Công lại trổ tài làm bánh đãi con trai út. “Máu nghề nghiệp” nổi lên, Công “cao hứng” muốn đưa những món bánh của mẹ vào thiết kế thời trang.

Lúc đầu, chỉ nghĩ làm để quay phim lưu lại trên kênh cá nhân, nhưng Công bất ngờ khi thành quả ra đời, anh nhận được sự hưởng ứng và yêu thích của nhiều người.

“Mẹ tôi rất khéo tay. Như nhiều phụ nữ miền Tây khác, mẹ tôi biết làm rất nhiều loại bánh phổ biến ở vùng quê tôi. Vì thế từ nhỏ, tôi đã được thưởng thức hương vị của đủ loại bánh ngon và đẹp mắt.

bánh lá mít 2

Từ sự chế biến của mẹ, không chỉ được ăn bằng vị giác, tôi còn được thưởng thức bằng mắt những màu sắc đẹp của nó. Lớn lên đi xa nhà, tôi từng nhớ cồn cào những mùi vị hấp dẫn này. Tôi muốn dùng tiếng nói của nhà thiết kế để kể về ký ức này với bạn bè”, nhà thiết kế trẻ chia sẻ.

Anh cho biết thêm: “Về quê thăm nhà nên không chuẩn bị trước các dụng cụ vẽ hay may vá, tôi nhớ nghề quá nên nghĩ ra việc làm thời trang từ đồ ăn. Tôi dùng giấy cắt hình manocanh, sau đó thiết kế đồ ăn lên trên đấy. Tôi tận dụng lá chuối được mẹ tỉ mỉ rạch ngoài cây để làm phông nền, vừa gần gũi, vừa có màu sắc giúp tôn lên các bộ trang phục. Lá chuối có tác dụng chống dính nên sẽ giúp bánh sau khi trang trí ăn cũng ngon hơn”.

Ban đầu Công và mẹ chỉ chọn thực hiện 7 mẫu bánh quen thuộc: Bánh xèo, bánh lá mít, bánh tằm khoai mì, bánh ướt ngọt, sương sa hạt lựu… Là người thích khám phá, Công hỏi mẹ cách làm và nguyên vật liệu để hiểu thêm về các món bánh. Từ khám phá đến yêu thích, vậy là Công cùng mẹ vào bếp. Niềm vui lan toả khắp ngôi nhà, khiến ba và anh trai của Công cũng không đứng ngoài cuộc.

Chuong trinh 1

Để “biến” các loại bánh dân gian thành những bộ váy thời trang công chúa, Nguyễn Minh Công cho biết cái khó không nằm ở thiết kế mà chính là hiểu được cấu trúc, nguyên vật liệu của bánh, bởi khi đó, anh mới có thể giữ được cấu trúc căn bản của món bánh đó trên những mẫu áo mà người xem vẫn nhận ra đó là loại bánh gì.

“Món bánh xèo miền Tây vốn quen thuộc với nhiều người, khá to lại có nhiều nguyên liệu như: Tôm, giá , củ hũ dừa,… để mọi người nhận ra bánh xèo nguyên bản là việc không dễ. Món xôi vị, xôi bắp hầm cũng vậy, nếu không sáng tạo sẽ không giữ được hình dáng thành phầm.

Sau nhiều lần mày mò, thử nghiệm, cuối cùng tôi chọn dùng thêm nguyên liệu  bánh tráng Trảng Bàng đặt phía dưới, sau đó đưa chất liệu bánh đặt lên phía trên để giữ phom dáng. Ví dụ món bắp hầm có kết cấu hơi nhão, tôi phải gia giảm thêm bột năng để tăng độ dẻo của thành phẩm” - Nguyễn Minh Công bật mí.

bánh lá mít

Thường ngày, Nguyễn Minh Công có thể vẽ hàng trăm mẫu thiết kế. Nhưng việc thiết kế bánh này đòi hỏi nhiều thời gian hơn từ lên ý tưởng, sáng tạo, chuẩn bị nguyên liệu, bắt tay làm thành phẩm và trang trí sao cho thật đẹp. Vì thế, với một mẫu bánh, anh phải mất một đến hai ngày mới hoàn thành.

Nhưng dù mất cả tuần để hoàn thành bộ sưu tập gồm 7 bộ đầm công chúa lộng lẫy, Nguyễn Minh Công vẫn vui vì niềm đam mê của mình được sáng tạo với nhiều cách thú vị khác nhau.

tit 2

Từ bộ sưu tập Fashion – Food/Mini Collection 2021 với những bộ váy công chúa được  thiết kế tỉ mỉ thể hiện 7 loại bánh quen thuộc: Bánh xèo, bánh lá mít, bánh tằm khoai mì, bánh bèo, bánh ướt ngọt, bánh da lợn, sương sa hạt lựu, Nguyễn Minh Công tiếp tục trình làng Bộ sưu tập “Những vệt loang màu của thời gian”, giới thiệu thêm 13 mẫu bánh: Bánh bột báng, bánh chuối hấp, bánh đúc gân, bánh đúc mặn, bánh kẹp trái tim, bánh khọt, bánh lọt, bánh nhúng, bánh tằm bì, bánh tráng rế, mứt dừa, xôi bắp hầm, xôi vị… trên nền lá chuối quen thuộc qua những mẫu thiết kế tỉ mỉ, tinh tế, hiện đại và bắt mắt.

“Ba mẹ tôi rất thích ý tưởng này vì không chỉ gần gũi mà còn tái hiện những hồi ức tuổi thơ, thanh xuân đẹp đẽ của ba mẹ. Ngoài ra, bộ sưu tập cũng góp phần quảng bá ẩm thực Nam Bộ vốn dĩ rất phong phú và độc đáo. Khi tôi lên ý tưởng muốn làm bộ sưu tập thú vị này, ba xung phong phụ quay video review dù lần đầu tiên cầm máy, ông còn bỡ ngỡ.

chuong trinh 4

Ba cũng ra vườn tìm nguyên liệu như lá chuối, lá dứa để phụ tôi một tay. Mẹ thì phụ làm bánh, sơ chế các món ăn để tôi thiết kế và trang trí thật đẹp. Những khoảnh khắc cả nhà mò mẫm làm, vừa làm vừa sáng tạo, cuối cùng là cùng nhau thưởng thức, tôi hạnh phúc vô cùng. Đây là khoảng thời gian ý nghĩa mà nhiều năm nay do bận rộn chúng tôi không được trải nghiệm cùng nhau”- Nguyễn Minh Công chia sẻ.

Với chàng trai 27 tuổi, đây là dịp để ba mẹ hiểu rõ hơn về công việc và sự trưởng thành của anh. Gần 10 năm xa nhà, khi đậu thủ khoa đầu vào Khoa Thiết kế Thời trang của Trường Đại học Hồng Bàng cũng là lúc Công được ba mẹ cho lên Sài Gòn để theo đuổi ước mơ của mình.

“Từ nhỏ, tôi được ba mẹ rất cưng, nhưng luôn rèn tính tự lập. Còn nhớ, thời điểm giáp tết, hai anh em tôi được ba mẹ giao đất cho trồng hoa vạn thọ bán lấy tiền ăn tết. 29 tết, hai anh em háo hức, thu hoạch mang hoa ra chợ bán. Những đồng tiền kiếm được từ mồ hôi, cũng chính là cảm nhận sự lao động vất vả một nắng hai sương của ba mẹ, đã giúp tôi rèn luyện tính cách trong công việc sau này rất nhiều”, Công nhớ lại.

Công được nhận Kỷ lục Việt Nam khi là “Người đầu tiên tại Việt Nam sáng tạo nên Bộ sưu tập Thời trang mini với chất liệu từ các món ăn của ẩm thực miền Tây Nam Bộ”.

Công được nhận Kỷ lục Việt Nam khi là “Người đầu tiên tại Việt Nam sáng tạo nên Bộ sưu tập Thời trang mini với chất liệu từ các món ăn của ẩm thực miền Tây Nam Bộ”.

Công cũng cho biết, thuở nhỏ anh vốn thích chơi búp bê, gia đình lại có mẹ và nhiều người thân làm nghề may, nên cậu bé Công suốt ngày cắt may đồ cho bé gái. Biết đam mê của Công, thấy con học hành vất vả, nhiều năm qua gây dựng tên tuổi trên Sài Gòn, nhưng với những người làm nghề nông như ba mẹ Công, quanh năm quanh quẩn ruộng vườn thì câu chuyện thiết kế thời trang của cậu con út vẫn là điều khó hình dung.

Cho đến khi cùng con thực hiện những mẫu thời trang bằng các món bánh quen thuộc, chứng kiến sự ủng hộ của nhiều người và Công được nhận Kỷ lục Việt Nam khi là “Người đầu tiên tại Việt Nam sáng tạo nên Bộ sưu tập Thời trang mini với chất liệu từ các món ăn của ẩm thực miền Tây Nam Bộ”, ba mẹ Công mới cảm nhận được hết và tự hào về công việc mà anh theo đuổi.

Nguyễn Minh Công hồ hởi cho biết, điều này rất có ý nghĩa với quá trình làm nghề của anh. Năm 2021 nhiều khó khăn, nhưng không ngờ trong đại dịch, Công vẫn tìm được hướng sáng tạo mới, và anh sẽ không dừng tại đây. Một kế hoạch mới được Công cùng ê-kíp bàn bạc kỹ lưỡng để đưa những bộ váy từ chất liệu hương vị bánh quê nhà, chính thức trở thành những mẫu thiết kế ứng dụng trên chất liệu vải.

chuong trinh 3

“Tôi muốn xây dựng một không gian trải nghiệm đậm chất miền Tây để giới thiệu bộ sưu tập trên chất liệu vải. Đương nhiên, khi trở thành thời trang ứng dụng thì màu sắc, họa tiết theo cấu trúc của các loại bánh được chú trọng, nhấn nhá, giúp truyền thông điệp đến khán giả. Nếu mọi việc suôn sẻ, tôi dự kiến chương trình này sẽ ra mắt vào cuối năm 2022” - Công nói.

Những ngày này, lịch làm việc của “Nhà thiết kế công chúa” khá bận rộn. Ngoài việc chuẩn bị các thiết kế tham gia tuần lễ thời trang cuối năm, Nguyễn Minh Công cũng chuẩn bị cho bộ sưu tập mới mà anh tâm đắc “Điều bình thường mới lạ”, nhằm gửi gắm tình cảm biết ơn đến các bác sĩ, y tá, lực lượng tuyến đầu đã hỗ trợ người dân trong những ngày khó khăn chống dịch Covid-19 vừa qua.

box