Gần đây, Huy Nguyễn được cộng đồng blockchain Việt Nam nhắc tới nhiều với những nỗ lực cống hiến, truyền cảm hứng tạo ra sản phẩm công nghệ có giá trị cho cộng đồng. Anh có 12 năm làm việc tại thung lũng Silicon, trong đó có 10 năm tại Google với nhiều vị trí khác nhau, từ kỹ sư lên quản lý, đến vị trí cấp cao. Hiện anh là Cofounder - CEO của KardiaChain và Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam.

Sau sự kiện Tạp chí Doanh Nhân Trẻ ra mắt Vườn ươm Khởi nghiệp Doanh nhân trẻ, chúng tôi có buổi trò chuyện với Huy Nguyễn về kinh nghiệm và mong muốn với nghề.

Phóng viên: Xin chào anh Huy Nguyễn. Đã có hành trình dài 10 năm tại Google với nhiều cơ hội phát triển, nay cơ duyên nào đưa anh về lại Việt Nam?

CEO Huy Nguyễn: Trước khi quyết định trở về Việt Nam, tôi chịu trách nhiệm dự án tai nghe android của Google (vào khoảng 2018-2021), tôi bay nhiều giữa các nước Mỹ, Thuỵ Sĩ và Đài Loan, mà đường bay từ Đài Loan về Việt Nam gần, nên tôi thường xuyên về nước.

Mỗi lần về Việt Nam, tôi đều cảm thấy rất hay và nghĩ có dịp nào đó sẽ ở lại lâu hơn. Cuối năm 2019, tôi quyết định về ở thử 3 tháng để xem có thích hợp không. Tháng 2/2020, dịch Covid-19 bùng phát nên tôi chọn ở lại Việt Nam, nhưng đến quý 3/2021, tôi mới chính thức nghỉ ở Google.

B28BE32A-FDA8-4384-AE1E-5F0518ED3633

* Anh bắt đầu công việc ở Việt Nam thế nào?

- Tôi còn nhớ vào năm 2018, một bạn thân của tôi ở Việt Nam chia sẻ anh ấy đang làm về blockchain, đó cũng là thời điểm Bitcoin rất có giá nhưng tôi thì chưa biết gì về blockchain, còn bạn tôi là dân tài chính nhưng cứ nói hoài “mày giúp giùm tao đi, coi giùm tao đi”. Thế là tôi bắt đầu tìm hiểu về ý tưởng mà bạn tôi muốn làm, mua sách về bitcoin để đọc.

Càng đọc, tôi càng ngộ ra nhiều điều về công nghệ blockchain, rồi tôi bắt tay làm cố vấn cho công ty mà bạn thân sáng lập, có tên là KardiaChain. Cuối năm 2019, đầu 2020, bị kẹt lại do Covid-19, tôi chính thức dồn toàn lực phát triển KardiaChian. Khi Hiệp hội Blockchain Việt Nam ra đời, tôi trở thành thành viên thành lập, chuyên sâu về chuyên môn và kỹ thuật.

* Công việc tại Google của anh có liên quan gì đến công nghệ blockchain không?

- Tại Google, tôi thực hiện một số dự án chuyên sâu về lĩnh vực mạng không dây wireless, 5G… vì tôi học máy tính thiên về hạ tầng mạng. Các dự án tôi đảm trách có thể xem là “biến điều không thể thành có thể”, thú vị và nhiều thử thách như dự án mang Internet tới những vùng sâu, xa như ở các sa mạc, châu Phi, châu Mỹ, Bắc cực, Nam cực… với những cách rất lạ như bắn lên vệ tinh để “dội” Internet xuống; tạo khinh khí cầu hoặc cả máy bay không người lái sử dụng năng lượng mặt trời để “thả” Internet xuống.

Nghe có vẻ điên rồ nhưng dự án này của Google đã chính thức hoạt động và khá thành công. Sau thành công đó, tôi được giao vận hành một dự án khác của Google là kết nối cáp quang tới tận nhà ở Mỹ.

0934BC54-5C1B-4696-83DB-533DF2CE6681

Nói về cơ duyên với blockchain thì vào khoảng năm 2015-2016, trong thời điểm tôi vận hành một dự án mạng không dây, trong đó cho các nhà mạng tự đấu thầu với nhau về đường dây mạng nên cần phải kiểm soát hệ thống kế toán, tôi đã thiết kế hệ thống này. Trong một môi trường không có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm thì hệ thống đó cần sự minh bạch, rõ ràng để các bên tự ghi sổ và tự quyết toán với nhau, không cần ngân hàng trung gian.

Phần mềm đó thật sự là một ứng dụng công nghệ blockchain nhưng thời đó rất ít người nói về blockchain, thậm chí tôi cũng không biết đó là blockchain, chỉ đơn giản là dùng công nghệ thích hợp nhất để thiết kế một dự án như vậy. Kết quả, sản phẩm chạy rất tốt, các đối tác thấy tiện lợi hơn, tin tưởng hơn nên đề nghị đưa luôn code để sử dụng.

* Nói về KardiaChain, sản phẩm này thế nào?

- Trên thế giới có nền tảng Enthereum, không chỉ là tiền điện tử, Ethereum có thể lập trình được, điều đó có nghĩa các nhà phát triển có thể sử dụng nó để xây dựng các loại ứng dụng mới. KardiaChain là nền tảng kiểu như vậy. Phương châm của KardiaChain là không đặt câu chuyện kiếm tiền là nhiều nhất, chỉ mong muốn làm sao nhiều người sử dụng ứng dụng blockchain.

Mỗi giao dịch trên KardiaChain chỉ có 1 VND, nên thu hút rất nhiều doanh nghiệp đối tác sử dụng vì so với số tiền họ tự bỏ ra đầu tư thì rất lớn. Số lượng người dùng hiện nay đạt 700.000, mấy chục triệu giao dịch và hàng trăm app được xây dựng trên hệ sinh thái KardiaChain. Đối với người hiểu về blockchain thì KardiaChian là một cái tên hàng đầu và có thể xem là thành tựu bước đầu của chúng tôi. Đây là dự án tập trung vào Việt Nam chứ không phải để mang ra thế giới.

* Anh có bị áp lực và gặp khó khăn khi làm việc tại Việt Nam?

- Sự khác biệt đầu tiên, rất lớn trong văn hóa, nhất là trong kinh doanh, là phải giao lưu, đi ăn uống với nhau… chứ không thẳng thắn như ở Mỹ.

Thứ hai là tư duy làm sản phẩm công nghệ. Có rất nhiều công ty công nghệ chỉ outsource (thuê ngoài), gia công phần mềm, rồi xem người ta làm gì thì làm theo. Nên tôi nghĩ cần thời gian để thay đổi.

Tiếp theo là cách nghĩ không thích hàng Việt, không hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của người Việt. Ở Mỹ, khi nghe một ý tưởng có vẻ “điên rồ”, người ta sẽ nói “giỏi thì mày làm đi”, còn ở Việt Nam, tôi thường nghe là “có khùng mới làm”. May mắn là tôi lì lợm và quen với điều đó nên không để ý, chỉ tiếp tục với con đường của mình. Suy nghĩ “Ta không bằng Tây” là một tư duy cần thay đổi.

CE17470E-C849-41ED-A8B9-464F9CD6BD46

* Sản phẩm blockchain Việt Nam có cơ hội phát triển không, thưa anh?

- Thế giới hiện khá quan tâm đến thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam vì có số lượng dân số trẻ và phát triển nhanh. Theo tôi, Việt Nam đang trong top 20-30 trên thế giới có những công ty làm về công nghệ blockchain được đánh giá cao và được thừa nhận.

So với mặt bằng chung về công nghệ thì blockchain là ngành tiềm năng nhất và Việt Nam đang cạnh tranh sòng phẳng với các nước Đông Nam Á, ngang với Thái Lan, Indonesia; có tiềm năng sẽ dẫn đầu Đông Nam Á, tiệm cận châu Á nhưng còn thấp xa so với Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Đối với blockchain, điểm xuất phát của chúng ta và thế giới là ngang bằng nhau, không hề đi sau người ta và chắc chắn sẽ có cơ hội bứt phá.

* Cách anh phát triển công nghệ mới này tại Việt Nam như thế nào?

- Khi về Việt Nam, tôi thấy nước ta chưa có nền tảng tầm vóc thế giới và người Việt hiểu blockchain là tiền ảo quá nhiều, nên tôi phải làm sao để thị trường hiểu đúng.

Trước tiên, tôi xây dựng một đội ngũ 10 người. Họ là những người bạn, đồng nghiệp của tôi ở Mỹ và Anh, nhiều bạn từng làm trong Google và Apple, về Việt Nam làm để hỗ trợ tôi.

Chúng tôi tổ chức những lớp dạy phổ cập blockchain trên các kênh truyền thông khác nhau, dưới dạng video clip, bài báo, sách… cho những người có mối quan tâm và muốn tìm hiểu, như những chủ doanh nghiệp, những nhà làm luật chẳng hạn. Tham gia các sự kiện, hội thảo và các buổi seminar để nói về blockchain trong từng lĩnh vực như doanh nghiệp, ngân hàng, trường học… Đẩy mạnh diễn đàn phổ cập blockchain và đặc biệt là tham gia hiệp hội Blockchain.

Khi có hiệp hội Blockchain thì nhiều người có tầm có thể hỗ trợ nhau; được đối thoại với Quốc hội, với Nhà nước trong từng lĩnh vực. Đồng thời, có thể mời những chuyên gia đầu ngành ở nước ngoài về Việt Nam. Đây là cách mà nhiều nước như Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan… đã làm. Đồng thời chia sẻ trên các kênh báo chí để thông tin đúng được lan toả.

8DCF4BB2-441F-48DC-A309-9711EABFD1EC

* Giá trị lớn nhất mà blockchain mang lại là gì, thưa anh?

- Giá trị ấy thể hiện qua việc phát triển những ngành đã có từ lâu, chẳng hạn như nông nghiệp, giúp minh bạch trong truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng. Mang lại cho người dùng cái gì đó mới mẻ mà họ chưa từng biết, chưa từng thấy trước đó.

Một giá trị nữa là mỗi người sẽ quản lý, sở hữu thông tin cá nhân và nội dung mình tạo ra mà không bị phụ thuộc vào bên thứ ba như hiện nay. Điều này sẽ mang đến cơ hội kinh doanh từ việc quyết định chia sẻ thông tin nào, tạo ra một nền kinh tế mới và phương thức kiếm tiền mới mà một số người đã nhìn thấy nhưng phần đông vẫn chưa biết đến.

* Theo anh, người dùng nên hiểu về công nghệ blockchain không?

- Một công nghệ tốt là công nghệ không cần người dùng phải hiểu, chỉ cần tạo ra sản phẩm có giá trị để họ sử dụng. Trừ một số người cần hiểu thêm để phục vụ cho công việc.

* Mong muốn của anh trong thời gian tới?

- Ngoài câu chuyện làm ra sản phẩm công nghệ blockchain, tôi đang cố gắng truyền cảm hứng cho những người không chỉ ở Việt Nam tin là mình làm được, mà người nước ngoài cũng tin là người Việt làm được.

Chúng tôi mong có hành lang pháp lý đúng, thông thoáng để phát triển công nghệ; để những nhà đầu tư, khởi nghiệp tự tin cống hiến và phát triển cho đất nước mình, thay vì tìm đến những nơi khác như Singapore.

5A2A9418-9F6A-42A4-99FA-B7907108A103

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Kim Thanh (thực hiện)