Rap Việt đang bùng nổ, trở thành trào lưu phổ biến. Nhưng liệu thói quen nghe nhạc của người Việt liệu có đổi gu, từ Bolero sang Rap?
Sự dịch chuyển theo xu thế chung toàn cầu
Năm 2020 đánh dấu sự bùng nổ của nhạc Rap tại Việt Nam. Với sự xuất hiện của hai show truyền hình tìm kiếm tài năng nhạc Rap là Rap Việt trên kênh HTV2 và King of Rap trên VTV3. Cả hai chương trình đều được mua bản quyền từ nước ngoài, cùng phát trên sóng truyền hình vào tối thứ 7 hàng tuần.
Ngay sau lần ra mắt đầu tiên ngày 1 tháng 8 năm 2020 cả hai chương trình đã gây lên cơn sốt với hàng triệu lượt xem qua kênh youtube. Thế mới biết thực ra giới trẻ Việt Nam đã quan tâm và yêu thích rap từ khá lâu rồi. Đi đâu cũng dễ dàng gặp các học sinh từ 10 tuổi trở lên thích dùng những câu, cụm từ hot được lấy từ những bản rap thịnh hành với sự thích thú và đầy hãnh diện “và anh đếch cần gì nhiều ngoài em”, “anh không đòi quà”, “nhà thì nhỏ mà xe thì to”, “em yêu anh yêu anh đấy thì sao nào” ....
Vì sao nhạc rap lại được giới trẻ Việt Nam đón nhận mạnh mẽ đến vậy?
Cùng tìm hiểu về nhạc rap một chút, nhạc rap được xuất hiện đầu tiên ở những khu phố của người da màu nghèo đói và đầy bạo lực tại Mỹ. Người da màu mang trong mình dòng văn hóa gốc với chất âm nhạc truyền thống giàu tiết tấu và tính nhảy múa. Đứa trẻ sinh ra đã có khả năng nhảy múa với những sáng tạo ngẫu hứng về tiết tấu đáng kinh ngạc. Nhạc rap không chú trọng giai điệu âm nhạc, chủ yếu là ngôn từ được đọc theo những tiết tấu sáng tạo trên nền nhạc hip hop.
Nhạc rap đã trở thành công cụ nói lên tiếng nói phản kháng về sự bất công xã hội trong đối với người da màu, là tiếng nói bộc lộ tính cách cá nhân, khẳng định vị thế, thể hiện tâm tư và những góc nhìn sâu sắc về xã hội và những mối quan hệ phức tạp trong cuộc sống.
Âm nhạc nền mạnh mẽ, mang tính nhịp điệu cuốn hút, ngôn từ tự do phóng khoáng không bị gò bó bởi giai điệu, nên nhạc rap có thể đụng chạm đến tất cả mọi vấn đề cũng như trạng thái tâm lý trong xã hội. Nó chính là điều giới trẻ mong muốn, mong muốn được người lớn và xã hội nhìn nhận.
Chính vì vậy nhạc rap lan tỏa mạnh mẽ trên khắp thế giới bởi giới trẻ. Trên nhiều quốc gia phát triển, những ngôi sao nhạc rap có những ảnh hưởng xã hội cũng như nguồn thu về tài chính vô cùng lớn không thua kém bất cứ ngôi sao nhạc pop nào.
Rap xuất hiện ở Việt Nam khá muộn, những năm 2000 mới có những rapper Việt đầu tiên có đam mê và tự học hỏi, tự sáng tác. Các rapper kết hợp với các ca sĩ nổi tiếng, mang lại những ấn tượng khác biệt thú vị so với những bài hát theo truyền thống cũ.
Rap Việt thực sự được định hình khi các rapper sáng tác những bài rap độc lập, tạo được những dấu ấn trong công chúng trẻ.
Một số gương mặt nổi bật đã có được thành công về nhạc rap như: Suboi (Hàng Lâm Trang Anh), rapper Việt đầu tiên được biểu diễn tại Liên hoan South by Southwest, một trong những lễ hội âm nhạc thường niên lớn nhất nước Mỹ. Cô cũng là một trong sáu đại diện châu lục duy nhất xuất hiện trong phim tài liệu về nền văn hóa hiphop châu Á mang tên Asia rising - The next generation of hip hop trên kênh phương tiện truyền thông đại chúng 88rising của Hoa Kỳ.
Binz (Lê Nguyễn Trung Đan) người sở hữu những bản hit lên tới hàng trăm triệu lượt view tren youtube.
Phải kể đến cái tên Đen Vâu (Nguyễn Đức Cường) người được tôn vinh là đã đưa rap đến gần với công chúng Việt hơn, xóa đi những kỳ thị và cách nhìn thiếu thiện cảm về dòng nhạc này bằng live show nhạc rap đầu tiên của mình.
Đa số các rapper Việt chủ yếu viết về đề tài tình yêu thì Đen Vâu và một số tên tuổi khác như Karik, Suboi, Wowy... chạm đến được nhiều góc cạnh khác của xã hội, lứa tuổi, quan điểm sống … gần hơn với nghĩa gốc của rap đó là Read a Poem.
Thời điểm rap công khai xuất hiện trên show truyền hình năm 2020 đã chứng tỏ sự quan tâm của giới trẻ tới thể loại âm nhạc mới mẻ, sôi động, cuốn hút và có sức diễn tả mọi đề tài hóc búa nhất, đời thường nhất trong cuộc sống, chứng tỏ sự dịch chuyển theo xu thế chung toàn cầu.
Liệu sẽ có một cuộc soán ngôi?
Quay lại câu chuyện, với sức hút mạnh mẽ như vậy, liệu rap có soán ngôi bolero tại Việt Nam hay không?
Cũng cần phải xem vì sao bolero lại bùng nổ trong những năm qua, phủ sóng khắp các đài truyền hình, kênh youtube, các cuộc thi …
Thật ra bolero là cách gọi tránh đi của dòng nhạc rất thịnh hành phía Nam trước đó với tên gọi không mấy thiện cảm là nhạc vàng hay nhạc sến.
Do hoàn cảnh lịch sử, dòng nhạc lãng mạn, trữ tình không được cổ vũ. Sau cách mạng vẫn là những âm hưởng cổ vũ lao động, tôn vinh chiến thắng, nhạc vàng vẫn bị hạn chế rất lâu. Vì vậy đại bộ phận khán thính giả miền Bắc không biết đến những giá trị thực sự của những sáng tác âm nhạc miền Nam thời kỳ trước 1975.
Thực ra dòng nhạc vàng cũng là những thành tựu sáng tạo thời sơ khai của người Việt khi sử dụng hệ thống thang âm của âm nhạc châu Âu viết lên những tâm tư và rung động của người Việt, người Á Đông trong giai đoạn lịch sử biến động phức tạp.
Bolero là một điệu nhạc truyền bá từ Mỹ Latin và có nguồn gốc từ Tây Ban Nha, các nhạc sĩ Việt Nam đã làm mềm và chậm rãi hơn để phù hợp với con người và văn hóa Việt Nam. Với ca từ mùi mẫn, những bài hát theo điệu bolero rất được các nhạc sĩ ưa chuộng. Những điệu bolero còn được viết trong nhiều thể loại nhạc khác của Việt Nam.
Nhưng nhạc vàng không chỉ có điệu bolero, còn rất nhiều điệu khác được du nhập và tạo lên những tác phẩm đậm chất Việt như: slow rock, rumba, ballad, valse, tango ...
Rất nhiều sáng tác có giá trị về mặt âm nhạc của các tác giả của dòng nhạc này như: Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Văn Phụng, Lam Phương, Vinh Sử, Phạm Duy, Cung Tiến, Phạm Đình Chương …
Khi dòng nhạc này được giới thiệu trên sóng truyền hình, tiếp cận đến rất nhiều người chưa từng được thưởng thức và đã tạo lên một làn sóng say mê hâm mộ những giai điệu, ca từ lãng mạn, mượt mà dễ đi vào lòng người. Đội ngũ nghệ sĩ cũng tập trung đầu tư nhiều hơn tranh thủ sự mến mộ của đông đảo khán giả, nên bolero hay nhạc vàng đã bùng lên khắp nơi.
Nhưng thực chất, đối tượng của dòng nhạc này đa phần từ trung tuổi trở lên, bởi vì đa phần thế hệ này đang từ thưởng thức âm nhạc truyền thống ngũ cung Việt Nam, ảnh hưởng từ thế hệ trước, rồi chuyển tiếp đến tân nhạc Việt Nam chứ không có điều kiện tiếp cận nhiều thể loại âm nhạc Tây phương mạnh mẽ, dữ dội hay cổ điển, hàn lâm. Nên bolero rất phù hợp với nhu cầu của đối tượng rất lớn này.
Như vậy Bolero hay Rap đều có đối tượng riêng của mình. Chưa có cơ sở nào để khẳng định việc Rap sẽ soán ngôi của Bolero, có chăng thì là sự xuất hiện bề nổi trên sóng truyền hình nặng về thương mại hiện nay.
Hơn nữa không phải chỉ có rap mới có thể dễ dàng nói lên tiếng nói của giới trẻ, từ rất lâu rồi giới trẻ Việt Nam đã tự tìm tòi và bứt phá thoát khỏi những con đường sáng tạo âm nhạc với truyền thống của thế hệ trước “tròn vành, rõ chữ”, họ đã tự tạo ra lối đi riêng, bộc bạch mọi tâm tư, góc nhìn về con người và thế giới rất riêng và đã tạo ra phong cách riêng như: Lê Cát Trọng Lý, nhóm Ngọt, ban nhạc Bức tường, Nhóm nhạc thần tượng 365, Nhóm MTV, FB Boiz, Nguyễn Văn Chung … đã có lượng khán giả hâm mộ rộng lớn và rất ổn định.
Nhạc Rap là sân chơi mang tính toàn cầu, trong khi rap Việt thực sự còn rất khiêm tốn. Việc đưa nhạc rap Việt lên sóng truyền hình, bề mặt có vẻ khuếch trương dòng nhạc này nhưng cũng có phần ảnh hưởng không tốt, bởi vì chất lượng của những thí sinh mới chập chững đến với rap không thể đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của các fan loại nhạc này, vô tình làm mất đi thiện cảm của những fan thực sự. Những khán giả yêu nhạc nói chung chưa thấy được vẻ đẹp và sự hấp dẫn thật sự của dòng nhạc này.
Dưới góc độ kinh doanh thì cả hai game show nhạc rap đã rất thành công, nhưng hiệu quả cho sự phát triển của nhạc rap Việt sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như thị trường, đầu tư bài bản …
Với đặc thù ngôn ngữ tiếng Việt bao gồm một hệ thống thanh điệu, tạo nên âm thanh cao thấp khác nhau ngay trong ngôn từ, khác biệt với tiếng Anh và các ngôn ngữ theo hệ latin. Đây vừa là khó khăn nhưng cũng là điểm độc đáo mà hầu hết các rapper Việt chưa thể khai thác được. Để nhạc rap Việt hòa được dòng chảy chung toàn cầu, mang những dấu ấn riêng của Việt Nam có lẽ cũng là chặng đường còn khá xa.
Duy Tân